CDIO được áp dụng tại ĐHQG-HCM trong giai đoạn 2010-2017 với 5 ngành đào tạo thí điểm vào năm 2010 và đã nhân rộng thành 62 ngành (30 ngành kỹ thuật, công nghệ kỹ thuật; 32 ngành đào tạo phi kỹ thuật) của 29 khoa thuộc 5 trường đại học thành viên của ĐHQG-HCM. Sau 8 năm triển khai CDIO, ĐHQG-HCM đã đạt được những kết quả, thành quả thiết thực trong việc áp dụng những phương pháp tiếp cận tiên tiến để phát triển chương trình đào tạo đáp ứng nhu cầu xã hội, đáp ứng những chuẩn mực chất lượng quốc tế. Mô hình CDIO đã giúp đổi mới căn bản và toàn diện cách thức xây dựng, phát triển chương trình đào tạo và tổ chức giảng dạy nhằm phát triển toàn diện kiến thức, kỹ năng, phẩm chất, và năng lực thực hành nghề nghiệp cần thiết cho sinh viên.
Trước tác động của Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư, giáo dục đại học cần thực hiện những bước đột phá mới trong hoạt động đào tạo, thay đổi mục tiêu đào tạo, mô hình đào tạo truyền thống bằng cách thức chuyển tải và đào tạo kiến thức hoàn toàn mới. Sự phát triển công nghệ thông tin, công cụ kỹ thuật số, hệ thống mạng kết nối và siêu dữ liệu sẽ là những công cụ và phương tiện tốt để thay đổi cách thức tổ chức và phương pháp giảng dạy. Chương trình học cũng được thiết kế đa dạng hơn, cụ thể hơn và đáp ứng tốt hơn nhu cầu của người học. Với xu hướng giáo dục thế giới gắn đào tạo với nghiên cứu khoa học và học để trải nghiệm, do đó đòi hỏi các trường đại học trong giai đoạn tới phải thay đổi cách thức triển khai và xây dựng các mô hình đào tạo mới để hướng đến giáo dục hiện đại, khoa học và sáng tạo, đào tạo ra nguồn lực tri thức có thể lĩnh hội, đáp ứng các yêu cầu của thời đại. Và giáo dục 4.0 được xem là mô hình phát triển giáo dục hiện đại mà các cơ sở đào tạo trên thế giới đã và đang thực hiện.
ĐHQG-HCM luôn xác định vai trò, trách nhiệm tiên phong của mình trong việc cải cách giáo dục Việt Nam. Đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu của xã hội đòi hỏi ĐHQG-HCM cần có cách tiếp cận mới trong xây dựng và phát triển chương trình, tiếp tục nghiên cứu, áp dụng các mô hình đào tạo mới, hiện đại của giáo dục thế giới, làm hình mẫu cho các cơ sở đào tạo trên cả nước.Việc ĐHQG-HCM phát triển giáo dục theo cách tiếp cận giáo dục 4.0 là phù hợp và được xem là nhu cầu cấp thiết. Do vậy, Đề án “Mô hình giáo dục 4.0 trên nền tảng áp dụng CDIO hiện đại tại ĐHQG-HCM giai đoạn 2018-2022” hướng đến mục tiêu sau “Vận dụng kết quả từ việc áp dụng mô hình CDIO trong đào tạo đại học và sau đại học nhằm cải tiến chất lượng đào tạo, cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng nhu cầu xã hội theo những chuẩn mực chất lượng quốc tế, hướng đến phát triển một mô hình đào tạo theo giáo dục 4.0 tại ĐHQG-HCM và nhân rộng, phát triển mô hình cho hệ thống giáo dục Việt Nam”.